Menu Đóng

Những tháng ngày mới tốt nghiệp

Mới đó đã gần 3 năm kinh nghiệm trong nghề, với nhiều người, đó là con số bé nhưng với tôi nó là con số không hề nhỏ. Ba năm thăng trầm giúp tôi hiểu hơn về cái nghề, con đường tôi đi. Và có lúc tôi cũng đã thốt lên rằng: không ngờ mình có thể làm được nhiều thứ đến vậy…

Nhìn nhận mọi thứ thật tích cực sau những tháng ngày đi làm đầu đời, tôi đã tự nhủ: học xong 4 năm đại học đâu phải để vứt đi như các anh chị đã từng chia sẻ. Mỗi người sinh ra trên đời có những tính cách khác nhau, những mục tiêu để sống và cách thức phấn đấu khác nhau. Sau 3 năm cặm cụi với công việc, tôi cũng được tiếp xúc nhiều các bạn mới ra trường.

Có những bạn luôn tự tin mình sẽ làm quản lý tốt, làm chủ được người khác, những bạn này không thích làm lính và tự tin trong giao tiếp xã hội. Nhóm này hay rơi vào tình huống bị các công ty cho rớt mà không hiểu lý do. Thực ra giải thích thì cũng đơn giản lắm các bạn, các công ty đều tuyển người phù hợp chứ không hẳn lúc nào cũng tuyển người tài giỏi (dĩ nhiên vừa phù hợp, vừa tài giỏi quá tốt). Kiểu như một công ty đang tuyển nhân viên mà bạn cứ đòi làm quản lý thì sao công ty đó chọn bạn được. Khi trong đầu bạn mang tư tưởng làm quản lý người khác thì bạn sẽ rất thường xuyên bất phục sếp trên, khi đó bạn sẽ sớm chia tay công ty đó thôi. Điều này có nghĩa là, những công ty tuyển nhóm này thường thì họ muốn khai thác những tố chất nhóm này có trong ngắn hạn nhiều hơn, và thường là các công ty nước ngoài. Có một đặc điểm đáng chú ý là nhóm này rất phù hợp để làm dự án đấy.

Cũng có những bạn rất tài giỏi, có tư duy, thái độ tốt, có ít kinh nghiệm nhưng thấu hiểu được mình nên đi như thế nào để có được cái mình cần. Nhóm này thường rất bền, khi vào doanh nghiệp luôn biết tạo ra giá trị riêng, luôn biết công hiến đúng lúc và có thái độ tốt với cấp trên. Cơ hội thăng tiến nhóm này cao nếu công ty họ vào đúng lĩnh vực họ yêu thích. Tuy nhiên họ sẽ từ bỏ công ty nhanh chóng nếu nó không phải lĩnh vực họ gắn bó. Nhóm này tìm việc không khó vì họ biết cách nắm insight doanh nghiệp khi tuyển dụng.

Hồi đó, nhiều bạn tìm đến hỏi mình phải đi làm sao vì không có định hướng nào cho công việc, ra trường chạy xin việc khắp nơi và bị đánh rớt liên tục hoăc được công ty không thích lựa chọn. Đây có lẽ là nhóm mà đa số các bạn sinh viên mới ra trường gặp phải. Thường thì nhóm này các bạn là những người thiếu định hướng, chưa hiểu được chính bản thân mình và doanh nghiệp thừa sức biết bạn là ai với 1 vài câu hỏi phỏng vấn. Nhiều lúc tôi cũng rất buồn khi các doanh nghiệp tuyển dụng cứ bảo nhân lực sinh viên mới ra trường hiện tại trình độ kém quá, không có kĩ năng, kinh nghiêm… Họ đâu biết các bạn cũng được đào tạo rất bài bản, thậm chí hơn các anh chị tuyển dụng ngày xưa, nhưng đó chỉ là lý thuyết suôn, các bạn chưa biết cách sử dụng nó nên bị đánh giá quá thấp. Để sử dụng được nó các bạn phải: có định hướng lại tương lai cho rõ ràng, có ý chí, biết hy sinh, chấp nhận thực tại phũ phàng rằng bạn đang đi chậm hơn những đứa có định hướng 1 bước để mà cố gắng. Nội dung kế tiếp bài viết sẽ phân tích sâu hơn về vấn đề này.

Ngoài những bạn có những đặc điểm trên, còn 1 nhóm nữa đó là các bạn luôn hài lòng với chính mình, hài lòng với những gì mình có, nhóm những nhân viên trung thành. Thường thì các bạn là người thích ổn định cuộc sống, bạn rất e ngại nghỉ việc vì sợ mình thất nghiệp và không tìm được việc mới, bạn không muốn 1 công việc mới với mức lương thấp hơn dù nó thăng tiến và hấp dẫn hơn, bạn thường hay thiếu tự tin ở mình khi người ta nói với bạn về 1 điều mới lạ và bạn cảm thấy mình thật ngu ngốc, bạn sống rất tình cảm và mong muốn 1 cuộc sống bình yên, 1 gia đình hạnh phúc… Nhóm này không phải lúc nào cũng có tất cả những nét tính cách đó nhé, nhưng nếu bạn có từ 3 điểm tính cách đó trở lên thì chắc phải nhìn nhận lại rồi. Các bạn thuộc nhóm này chấp nhận nhiều thứ & đa phần họ là các chị em. Nhóm tính cách này cũng không xấu, nhưng để làm ngành cần sự năng động cao như Marketing, Sales,… thì sẽ là thử thách lớn. Các bạn sẽ nhanh chóng bị những người khác bỏ lại đằng sau đó, 1 bạn mới ra trường cũng có thể vượt mặt bạn chỉ trong vòng 3 tháng nếu bạn không chịu thay đổi chính mình.

Ở trên chỉ là góc nhìn cá nhân về những bạn tôi đã từng tiếp cận, phỏng vấn và làm việc trong 3 năm qua. Dưới đây sẽ là vài nội dung làm rõ một số ý tôi chia sẻ bên trên:

Tìm định hướng bắt đầu từ đâu? Đôi khi nó đơn giản chỉ là bạn muốn làm gì? Bạn muốn trở thành một người như thế nào trong 1 năm, 2 năm, 3 năm, thậm chí 5 năm tới? Cái này nó cũng một phần có liên quan đến giá trị sống của bạn nữa, câu trả lời cho câu hỏi “Định hướng của tôi là gì?” chỉ có bạn trả lời được thôi. Bạn có thể lang thang đâu đó, vào chùa ngồi thiền định, uống café trong bóng tối… làm bất cứ thứ gì bạn thấy thoải mái nhất rồi nghĩ về tương lai, cuộc đời của mình. Tôi chỉ bạn cách đi nhanh chóng nè:

Bạn phải tìm xem điểm mạnh, yếu của mình là gì? Tìm hiểu xem nó hợp với ngành nghề gì? Tìm hiểu xem mình mình có hợp với ngành nghề đó không? Tìm hiểu xem làm nó mình có bị kích thích không? (bạn có thể làm việc đó buổi tối, khi rãnh rỗi cũng được), nếu bạn thấy mọi thứ ổn hết thì lúc đó bạn có thể chọn nó làm con đường mình đi cũng được đấy. Bạn có thể làm test Mbti để hiểu hơn về bản thân mình.

Tiếp sau đó, bạn tìm hiểu xem bạn sống vì điều gì? Rồi móc nối nó với cái ngành nghề ban định làm coi nó có bổ trợ được nhau không, nếu bổ trợ được thì xem như bạn đã có 1 định hướng khá chuẩn rồi đấy. Nhưng tin tôi đi, nó luôn bổ trợ nhau chỉ là bạn tư duy móc nối nó thế nào cho hợp lý thôi. Cứ liên hệ tôi nếu bạn thấy không có cách nào móc nối nó lại được.

Định hướng, căn bản là nó cho bạn 1 con đường để đi, nó giúp bạn đi thẳng thay vì bạn đi ziczac vô định. Rồi trên con đường đó bạn rẻ trái hay rẻ phải cũng là chuyện bình thường thôi, đôi khi định hướng của bạn bị thay đổi bởi bạn có cơ hội tuyệt vời khiến bạn khó cưỡng như: đi du học miễn phí và được bảo trợ toàn bộ từ A->Z, hay gặp được 1 người phụ nãy thay đổi cuộc đời bạn… Nhưng bạn phải hiểu, nếu bạn không có định hướng kia thì cơ hội này chưa chắc đã đến với bạn được đâu.

Hơn thế nữa, tôi khuyên bạn nên ngồi trao đổi cùng một người có kinh nghiệm trên con đường bạn chọn, họ sẽ thẩm định và giúp bạn nhìn nhận con đường mình đi đã đủ chín chắn hay chưa. Nhưng nhớ là bạn phải có chính kiến nhé, đừng ai nói gì cũng nghe, cuộc sống mà, đôi khi cái gì cũng biết trước sẽ mất vui.

Bài viết này hơi bị dài nên tôi sẽ tạm ngưng chia sẻ tại đây, nếu các bạn thấy hữu ích, hãy cập nhật thêm để cũng đàm đạo với mình nhé.

Đặng Ngọc Hậu,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *