Menu Đóng

Núi Thị Vải & hành trình cân bằng cuộc sống

Đó là một ngày mới đẹp trời, tôi cột trên xe túi xách chứa vài bộ quần áo và 1 túi lương khô (mì gói, bánh ngọt, phô mai…), và bắt đầu hành trình ra quốc lộ 51 về phía thành phố Vũng Tàu để tìm về với miền đất phật cùng hy vọng mình sẽ sớm cân bằng được cuộc sống, định hướng sau những ngày khởi nghiệp gầy dựng công ty đầy khó khăn…

Search bản đồ núi Thị Vải, tôi thấy hơi ngờ ngợ bởi núi ở gần sát thành phố  Bà Rịa, nên khi đi ngang chùa Đại Tùng Lâm tôi đã dừng xe hỏi chú xe ôm thì được hướng dẫn lại, tra kĩ thì thấy núi được chỉ đường theo google maps là núi Dinh, chắc tôi có duyên với phật nếu không sẽ phải chạy thêm vài chục cây số nữa rồi…

Núi thị Vải cách Tp.HCM khoảng 100km, khi đi qua khỏi chùa Đại Tùng Lâm một đoạn sẽ thấy một tòa nhà 18 tầng khá nổi bật. Ngay chân tòa nhà có 1 con đường, đi thẳng mãi theo con đường sẽ vào được chân núi (khoảng 3km). Vào chân núi thì gửi xe tại nhà dân ngay bên tay phải, chi phí gửi xe là 10k/ngày, bên tay trái là mỏ đá đang được khai thác

IMG_2249

Và hành trình leo núi đầy thú vị bắt đầu…

Tinh thần hưng phấn, vác 2 ba lô, một ít trái cây cúng cùng chiếc máy ảnh đi băng băng, nhưng đi được khoảng hơn 100 bậc thang mới thấy sai lầm, quá nhiều đồ đạt khiến tôi lên núi vô cùng khó khăn, nhưng cũng may lúc đó gặp được 2 chú người Quảng Ngãi trò chuyện đỡ mệt, 2 chú đã lên chùa làm công đức được 5 năm nay, tính tình thoải mái, rất nhiệt tình vừa đi vừa nói chuyện, đồng thời hướng dẫn tôi phương pháp leo hình zic zac mà như hai chú nói “bà già 80 leo còn khỏe hơn trai trẻ”. Hai chú thật thà đúng như cái bản chất của người miền Trung, và cùng không ngại giúp ai lúc khó khăn. Nhờ hai chú mà mình san sẻ bớt được ít trái cây và cái túi máy hình nếu không là đi hết buổi mới tới chùa…

Bậc thang lúc lên núi:

IMG_6531 IMG_6536

Trên núi có khá nhiều chùa, nhưng chùa lớn nhất là Chùa Tổ, đi khoảng 1400 bậc thang sẽ lên được đến chùa, nếu bạn nào lần đầu leo núi thì nên tá túc tại chùa một đêm rồi sáng hôm sau hãy lên đỉnh núi, để ở lại chùa phải xin phép sư cô (người phụ trách nhà bếp) và sư thầy trụ trì để thầy phân chỗ ở. Trên chùa có 2 khu cho những khách từ xa đến muốn tá túc: Một khu là ở cùng công nhân thuộc các tỉnh miền Tây, và một khu ở cùng các chú ở miền Trung, trong đó có 2 chú mình vừa mới quen. Do có duyên nên mình được 2 chú dẫn về khu miền Trung, được các chú sắp xếp chỗ ngủ, mền gối đầy đủ. Nghe các chú công nhân kể lại, nếu có duyên ở được cùng khu với các chủ miền Trung sẽ thân thiện hơn, khu còn lại nhiều vùng khác nhau tụ tập về nên khá phức tạp. Dù là chùa nhưng vẫn có trộm cắp thường xuyên, nếu đã mất thì xem như của thiên trả địa, trong chùa không được nghi kị nhau, nên đã lên đến chùa thì ai có đồ quý phải tự giữ lấy.

Hành trình khám phá chùa Tổ cũng khá thú vị, dù ngước mặt nhìn lên đỉnh núi vẫn thấy một chặng đường thú vị hơn đang chờ ta phía trước.

Dưới đây là một số hình ảnh quanh chùa tổ:

 IMG_6552IMG_6574 IMG_6565 IMG_6559 IMG_6557

Sáng sớm hôm sau, tôi quyết định bắt đầu hành trình leo núi còn lại của mình. Do chưa có kinh nghiệm nên tôi nếm đủ mùi vị núi rừng. Tôi dậy lúc 5:00 sáng, đang lúc tâm trạng phấn chấn lại không thấy ai lên núi chung nên tôi quyết định tự mình bò vào rừng mà lại không mang theo áo khoát để che chắn phần tay. Tôi vào rừng quá sớm, muỗi xuất hiện tứ phía nên nhiều lúc mệt muốn nghỉ một tí cũng khó khăn, chúng nó xem tay mình như món hời lâu năm bay vào xâu xé nên mình thở hổn hển mà vẫn không thể dừng được. Mà chắc cũng nhờ vậy mà mình lên núi được khá sớm  để tận hướng bình minh đầu ngày trên đỉnh núi.

IMG_6597

Lại nói về đường đi, con đường từ chùa Tổ lên đỉnh núi là dạng đường mòn với đá lớm chởm, lúc leo lên cũng đơn giản nhưng khi xuống thì lại khá nguy hiểm. Khi xuống núi, người đi đường nên có 1 cây gậy đủ chắc để chống phòng khi dốc quá lại trợt chân thì không tốt. Đường lên núi không nhiều ngã rẻ, trên đường đi chỉ cần thấy có vài cái vỏ chai nước hoặc bánh kẹo là chứng tỏ bạn đã đi đúng hướng.  Sư thầy trên núi có vẽ mũi tên hướng dẫn đường đi, nhưng chú ý, những chỗ phải quẹo thường sẽ không có mũi tên, tự khám phá lấy nhé 😉

IMG_6581 IMG_6595 IMG_6594   IMG_6589 IMG_6588 IMG_6585

Lúc mình lên đến đỉnh núi là 6:30, sư thầy đi cho chim ăn, nên mình được một anh đã ở lại đó 2 đêm tiếp đón trên chiếc bàn đá xinh xinh với món nước được gọi là “quý hơn sâm” của thầy: nước đậu đen nấu với cây đinh lăng. Tại chiếc bàn nhỏ mình đón sáng sớm với nhiều câu chuyện thú vị về đỉnh núi cùng anh thanh niên, anh rất vui khi nghe mình muốn ở lại, và anh chỉ mình nơi chụp hình đẹp để chào đón ngày mới, cách để được thầy cho ở lại và làm công đức để xả stress trước khi xuống núi…

20150802_085227 20150802_085222

Hình chụp vào buổi sáng tại đỉnh núi:

IMG_6603 IMG_6604 IMG_6615 IMG_6624 IMG_6638 IMG_6639 IMG_6649

Thầy trên núi còn khá trẻ, thầy lên núi lúc 30 tuổi, giờ đã hơn 40 nhưng vẫn sức khỏe như hộ pháp, thầy không tinh thông phật pháp về lý thuyết vì trước đây thầy không được học nhiều, nhưng với tâm tu, ý chí kiên cường, và lòng kiên định, thầy chọn đỉnh núi để tu thiền và mong muốn khai sơn một ngôi chùa nhỏ để hằng tuần đón các phật từ và khách leo núi ghé thăm. Thầy rất vui tính và thân thiện, dù là người xuất gia, nhưng những gì thầy kể đều rất tự nhiên, từ những câu chuyện ma hay cuộc sống đời thực quanh nhân núi dưới góc nhìn của thầy khá hài hước, thú vị, và mình cũng quý thầy vì thế.

Ngày đầu tiên lên núi, thầy thấy mình vui cười hơn hớn, bởi lâu nay cỏ mọc khắp nơi mà thầy vẫn chưa có thời gian nhổ, mình cũng không ngại giúp thầy bởi theo thầy đó là công  việc nhẹ nhàng, có thể nghỉ ngơi và xả stress tốt cho mình. Nói nhổ cỏ để thầy tập trung xây hồ chứa nước mưa, nhưng với sức lực của thầy và anh L thì hồ khó mà xây xong sớm. Thế là mình cũng nhảy vào giúp thầy chở cát, trộn hồ, quét hồ dầu… công việc làm mãi tới hơn 2h mới xong dưới trời nắng nóng mà không nghỉ trưa được vì sợ để hồ sẽ khô và trời chiều sẽ mưa. May mà hôm đó là chủ nhật, nên có một đoàn anh chị leo núi mang theo đồ ăn lên nấu dã ngoại, nhờ vậy mà mấy thầy trò làm xong cũng được chén bữa no nê.

20150802_091117 20150802_090948 20150802_085207

Lại quay lại cái hồ nước, trên núi cuộc sống khó khăn, lúc trước không có giọt nước nào nên thầy phải đi xuống dốc  núi vát nước lên vô cùng cực khổ, nay có được vài phương tiện hứng nước mưa sử dụng cũng nhẹ nhàng hơn. Thầy chia sẻ, nhiều lúc thầy nhiều người ghé lên núi nhưng thiếu nước mà chùa không có đủ nước xài nghe cũng xót nên thầy quyết tâm xây cái hồ để sau mọi người dùng chung. Nhưng khổ thay xi măng, cát để xây được cái hồ trên đỉnh núi chi phí quá cao, nên thầy phải tự làm hết, một khối cát mua 500.000 VNĐ thì lên tới núi mất 5.000.000 VNĐ, thế là thiếu kinh phí nên thầy sự tay xúc đất sét đợi ngày mưa hứng nước lọc cát, nghe câu chuyện về cuộc sống đầy khó khăn và thú vị trên đỉnh núi mà lòng mình thắc lại, cũng muốn làm chút công đức sau những ngày mệt nhọc trên thành phố…

Trời đang chuyển dần về đêm, cơ thể sau mấy năm không lao động trở nên mỏi nhừ, nhưng mình yêu cuộc sống nơi đây, cầm chiếc máy hình lượn ra mấy mỏm đá lớn, thấy thành phố dưới kia chuyển sắc, thấy núi rừng bắt đầu tiếng động vật và côn trùng về đêm râm rang. Nằm trên mỏm đá cùng thầy và 2 phật tử gần đó ghé chơi mà lòng vui sướng, nhìn những chòm sao hỏi thầy có biết xem phương hướng không, và câu trả lời rất nhẹ nhàng: thầy nào giờ có nghiên cứu sách vở nhiều đâu… những câu chuyện chuyển dần qua cuộc đời, trải nghiệm, nằm suy ngẫm về những gì đã qua và tìm hướng đi mới, mình dần thiếp đi trong gió trời lồng lộng…

IMG_6652 IMG_6655IMG_6671 IMG_6668

Rồi cũng đến lúc đi ngủ, đỉnh núi về đêm đầy tiếng lạ, thầy không ngủ trong chánh điện, cũng không ngủ trong chòi, cũng chẳng biết thầy ngủ đâu. Lúc đầu nghĩ ta đây dân phong trần, ngủ bằng một chiếc võng là đủ thôi, nhưng dần về đêm, tiếng gió rít, tiếng côn trùng, và cái mệt mỏi sau ngày làm việc khiến mình bắt đầu chút lo lắng, thôi thì vào chánh điện ngủ cho lành, dù gì thầy cũng chuẩn bị sẵn cho cái giường xếp với mền mùng còn gì. Nhưng rồi câu chuyện thầy kể ban ngày dần hiện ra, càng về khuya tầm 11h, bắt đầu những tiếng bước chân chạy ầm ầm, có tiếng người đi vào chánh điện mà không nghe đi ra, mình đâu dám mở mền ra dòm, chỉ lẳng lặng nghe xem còn gì nữa không mà thôi. Thầy bảo, ngày xưa nơi đây là của bộ đội, cũng có nhiều người hy sinh, về đêm thầy vẫn hay nghe nhưng tiếng duyệt  binh, rồi còn gọi tên thầy nữa, nhưng ở đây hiền lăm,  thầy ở nhiều năm nay nào có mệnh hệ gì đâu… thôi thì ráng ngủ tiếp. Nói ngủ tiếp nhưng nào có ngủ được, một đêm thức giấc liên tục, nghĩ lại sáng lò mò dậy nấu cơm cho thầy ăn mà đi không nổi, tối qua ngủ được có khoảng 2 tiếng đồng hồ thôi à, nhưng bù lại sáng sớm khi nắng lên, mình bò ra mỏm đá ngủ bù được khoảng 1 tiếng nữa rồi mới vào sắp xếp đồ đạc xuống núi lại.

Núi Thị Vải nhìn nhỏ nhưng là ngọn núi mà xứng đáng để dân phượt, thích leo núi có thể thử 1 lần trải nghiệm, là nơi để mỗi người chúng ta khi mệt mỏi có thể tìm về để cân bằng cuộc sống.

Một hành trình thú vị!

Đặng Ngọc Hậu,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *