Menu Đóng

Hiệu ứng Dunning & Kruger, kiến thức hay!

Hiệu ứng Dunning & Kruger mô tả về mối tương quan giữa sự hiểu biết của một người về một lĩnh vực và mức độ tự tin của họ trong lĩnh vực đó.

Hiệu ứng Dunning & Kruger gần như khắp nơi, chúng ta ít nhiều ai cũng đã đi qua những giai đoạn này một lần. Nhiều người trong số chúng ta vì chưa thật sự hiểu biết hết về quá trình học hỏi của bản thân mình mà để lại những hậu quả nghiêm trọng.

CỤ THỂ, DUNNING & KRUGER MÔ TẢ QUÁ TRÌNH NÀY DIỄN RA NHƯ SAU:

Giai đoạn 1: Khi chưa biết gì về lĩnh vực nào đó thì mức độ tự tin của một người sẽ bằng 0 → điều này dễ hiểu và không có gì để bàn.

Giai đoạn 2: Vấn đề bắt đầu thú vị khi những người bắt đầu biết sơ sài về một lĩnh vực nào đó thì thường có xu hướng lầm tưởng là mình đã rất giỏi trong lĩnh vực ấy. Họ rất tự tin về những phát biểu của mình, hay thậm chí đi chỉ dạy người khác. Giai đoạn này gọi là Peak of Mt. Stupid – Đỉnh cao của ngu ngốc.

Giai đoạn 3: Nếu họ vẫn tiếp tục tìm hiểu, sự tự tin này ngay lập tức rớt xuống gần như bằng không. Giai đoạn này gọi là Valley of Despair – Thung lũng của sự thất vọng.

Giai đoạn 4: Khi tiếp tục đào sâu nghiên cứu, mỗi ngày sự hiểu biết của họ sẽ mỗi tăng – song song đó sự tự tin của họ cũng bắt đầu tăng dần trở lại. Giai đoạn này gọi là Slope of Enlightment – Con dốc của sự khai sáng.

Giai đoạn 5: Việc tăng dần này sẽ tiếp tục cho đến khi người đó trở thành một chuyên gia, họ hiểu tường tận từ trong ra ngoài lĩnh vực đó. Lúc này sự tự tin cũng sẽ tăng đến một mức độ ổn định. Giai đoạn này gọi là Plateau of Sustainability – Cao nguyên của sự bền vững. (Tuy nhiên, dù mức độ tự tin ở giai đoạn có cao thì cũng hiếm khi nào cao bằng Peak of Mt. Stupid).

VÀI VÍ DỤ VỀ HIỆU ỨNG DUNNING & KRUGER

Trong đó có một lĩnh vực mà hiệu ứng Dunning & Kruger rất thường xảy ra, đó chính là khởi nghiệp.

Nhiều bạn trẻ đọc những câu chuyện thành công, thêm vài quyển sách về quản trị và đầu tư.

Lúc này các bạn ấy chỉ vừa tìm hiểu về quản trị và điều hành và không ý thức được mình đang ở ngay giai đoạn Peak of Mt. Stupid. Nếu không tỉnh táo + có người can = thì thường dẫn đến kết quả là mở công ty.

Điều này lý giải vì sao tỉ lệ thất bại trong những trường hợp này lại rất cao. Và cũng lý giải vì sao có rất nhiều người kinh nghiệm dẫu dày dạn kinh nghiệm vẫn rất e dè với chuyện tự đứng ra khởi nghiệp.

Một ví dụ khác là lái xe.

Theo thống kê thì với những người mới lái xe, nếu lỡ có xảy ra tai nạn thì cũng chỉ là những va quẹt nhỏ, không quá nguy hiểm.

Giai đoạn nguy hiểm nhất chính là khoảng thời gian đã lái được từ 2 – 3 năm, những người này được gọi là các cocky driver. Đây là giai đoạn họ nghĩ rằng mình đã là những tay lái lụa và thường hay show off những kỹ năng lái xe của mình — tuy nhiên họ chưa đủ kinh nghiệm để có được những phản xạ mà chỉ những người lái xe lâu năm mới có. Những tai nạn xảy ra trong giai đoạn này thường là những tai nạn lớn, xảy ra ở tốc độ cao.

Trong lĩnh vực đầu tư, có câu nói rất hay là: “When your taxi driver is telling you to buy stock, you know it’s time to sell” – Tạm dịch: “Khi người tài xế taxi khuyên bạn nên đầu tư vào chứng khoán, bạn biết đó là thời điểm nên bán”.

Hoặc như trào lưu crypto currency vài năm gần đây cũng có một câu tương tự: “When everyone and their grandma becomes a crypto expert it’s time to run” – Tạm dịch: “Khi các bà nội trợ cũng bắt đầu trở thành chuyên gia về crypto, bạn biết đó là thời điểm nên bán”.

(Lưu ý là các ví dụ trên không có ý xúc phạm những người lái taxi hay những bà nội trợ, người ta chỉ mượn hình ảnh đó để chỉ những người đang trong Peak of Mt. Stupid, bởi mỗi người sinh ra trong cuộc đời này đều giỏi ở những phạm trù khác nhau).

KHI BIẾT VỀ HIỆU ỨNG DUNNING & KRUGER, TA SẼ TỰ NGHIỆM RA ĐƯỢC RẤT NHIỀU VÍ DỤ THÚ VỊ KHÁC TỪ CUỘC SỐNG HÀNG NGÀY.

Những lợi ích khi hiểu về Dunning & Kruger Effect

Hiểu về hiệu ứng này sẽ giúp được cho chúng ta ý thức được bức tranh toàn cảnh trong quá trình phát triển kỹ năng. Nhờ đó nó giúp ta ý thức được rằng:

  • Khi mới tìm hiểu về một lĩnh vực nào đó, chúng ta biết mình đang đi qua đỉnh “Peak of Mt. Stupid”. Nhờ đó chúng ta tự biết rằng giai đoạn này tốt nhất là nên im lặng và tiếp tục trau dồi kiến thức.
  • Chúng ta cũng biết rằng không nên nghe theo lời những đứa đang ở đỉnh cao Mt. Stupid này (như trong ví dụ về đầu tư bên trên).
  • Trong công việc, nhờ hiệu ứng Dunning & Kruger chúng ta biết rằng những kẻ nói nhiều nhất, lớn họng nhất trong công ty không phải lúc nào cũng đúng (thường thì lại là ngược lại).
  • Và nhờ hiệu ứng Dunning & Kruger, ta biết rằng để trở nên tự tin (mà không ngu xuẩn), ta phải là một specialist – chọn cho mình những lĩnh vực yêu thích và đi đến tận cùng của lĩnh vực đó. Không nên là generalist – như cái tivi kênh nào cũng bắt nhưng không có kênh nào nét.

Khi nào ta nên mở miệng trở lại?

  • Như vừa viết bên trên: khi mới biết về một lĩnh vực gì đó thì tốt nhất là nên im lặng và âm thầm tiếp tục trau dồi.
  • Câu hỏi là: “Đến một lúc chúng ta đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm, làm sao để biết rằng những gì chúng ta biết đã đủ giá trị để có thể chia sẻ ra cho xung quanh? Vì như ai cũng biết, chia sẻ chính là cách nhanh nhất để nâng cao kiến thức”.
  • Hiểu về hiệu ứng Dunning & Kruger rồi thì trả lời câu hỏi này rất đơn giản: “Khi nào còn chưa rớt xuống cái thung lũng kia (Valley of Despair) nghĩa là chúng ta vẫn còn đang ở trên đỉnh Mt. Stupid. Hãy tiếp tục im lặng, khi nào rớt xuống rồi thì tự khắc ta sẽ biết được – và qua thời gian cũng sẽ tự có câu trả lời là có nên mở miệng ra hay chưa.

Nhìn xung quanh các quán cà phê, quán nhậu ở Việt Nam. Ta dễ dàng thấy được rất nhiều “chuyên gia” đang ngồi trên đỉnh Mt. Stupid và bàn tán về đủ mọi chủ đề: từ chiến lược quân sự ở Afganistan, đến chiến tranh thương mại Mỹ Trung, đến sách lược đầu tư chứng khoán,… Đừng là một trong số đó!

Nếu lỡ có rơi vô tình cảnh như vậy, thì cách hay nhất: trừ khi chúng ta là cố vấn quân sự của Lầu Năm Góc, tiến sĩ kinh tế vĩ mô hoặc chuyên gia phân tích của JP Morgan,… không thì tốt nhất là im lặng.

Mà thật ra nếu có đang giữ các vị trí trên mà lỡ ngồi trong bàn nhậu đó thì tốt nhất cũng nên im lặng, nếu thấy không phù hợp thì cũng không nghe luôn để tránh rơi vào trạng thái phản xét người khác.

VÌ SAO CHÚNG TA RƠI VÀO HIỆU ỨNG NÀY?

Câu trả lời là hầu hết tất cả chúng ta đều sẽ rơi vào những giai đoạn của hiệu ứng này. Bởi lẽ, ai cũng sẽ trải qua những cột mốc từ một người trẻ thiếu sót thông tin đến một người trưởng thành dày dặn kinh nghiệm. Hay thậm chí, dù chúng ta biết nhiều nhưng vẫn sẽ có những lĩnh vực mà chúng ta không thể bao quát hết được.

Một số biểu hiện của việc tự đánh giá cao và sai lệch khả năng bản thân gồm có:

  • Đánh giá quá cao mức độ khả năng của mình
  • Không thể nhận ra những kỹ năng và chuyên môn thật sự của người khác
  • Không thể nhận ra những lỗi sai và sự thiếu kỹ năng của mình

Dunning và Kruger cũng chỉ ra rằng, nguyên nhân của hiện tượng này đến từ khái niệm “gánh nặng kép”. Thứ nhất, sự thiếu hụt kiến thức khiến chúng ta trở nên chưa hoàn thiện về một lĩnh vực nào đó. Thứ hai, sự chưa hoàn thiện về kiến thức khiến chúng ta cũng không có khả năng nhận định được vấn đề đúng hay sai và có thật sự đầy đủ như những gì mà chúng ta tự tin hay chưa.

CHÚNG TA HỌC ĐƯỢC GÌ TỪ HIỆU ỨNG DUNNING – KRUGER?

Sự tự tin đối với những gì chúng ta có là hoàn toàn hợp lý. Nhưng vẫn nên đặt câu hỏi về việc thực tế những gì chúng ta có đã đủ chưa? Tự tin có chừng mực tương xứng với những kiến thức chúng ta nghiên cứu sẽ khác với việc tự tin thái quá và khiến bản thân cảm thấy không cần học thêm một điều gì nữa. Hiệu ứng Dunning – Kruger đôi khi chỉ là một mô hình lý thuyết nhưng thực tế vẫn đang rất đúng ở hiện tại, dù cho chúng ta là sinh viên hay ngay cả sau này đi làm và tiếp xúc với những môi trường mới.

MỘT SỐ TIPS DÀNH CHO “GIAI ĐOẠN 4” ĐƯỢC THÚC ĐẨY TỐT HƠN:

1. Chấp nhận về những thiếu sót của bản thân

Cái khó của một người là phải nói chấp nhận trước những gì gọi là chưa hoàn thiện của bản thân, vì chẳng ai là thật sự muốn “vạch áo cho người xem lưng” cả. Thế nhưng, càng không chấp nhận thì càng khiến chúng ta chỉ thấy được knowledge gap ngày càng lớn, bởi lẽ chúng ta sẽ chỉ còn nhìn thấy những chấm đen trên một tờ giấy trắng mà không nhìn thấy những khoảng trắng có thể được thêm vào từ những kiến thức mới để giúp mình tốt hơn.

2. Lắng nghe đóng góp từ người khác

Feedback và nhận feedback không phải là một câu chuyện dễ dàng, khi mà trong chúng ta ai cũng có những cái tôi to bự của người trẻ làm chủ cuộc sống. Nhưng mà những góc nhìn khác nhau sẽ giúp chúng ta biết được vị thế của mình là ai, ở đâu? Để chúng ta biết tự đánh giá và đưa mình đến những thay đổi đột phá hơn.

3. Không ngừng học hỏi

Nghe hơi giống những câu nói bâng quơ, thế nhưng ngay cả sau này đi làm thì chúng ta cũng còn có hàng tá những thứ cần phải học. Và việc học tiếp, học mãi từ sách vở, bạn bè hay cuộc sống vẫn luôn là những giá trị mà giúp chúng ta trở nên tự tin hơn với những vốn sống phong phú mà chúng ta có.

4. Rèn luyện tư duy phản biện (Critical Thinking)

Tư duy phản biện không phải ở việc chúng ta liên tục cãi vã với bạn bè về những vấn đề nào đấy, mà sẽ phát triển với thang đo Bloom (6 cấp độ nhận thức):

1 – Remembering

2 – Understanding

3 – Applying

4 – Analyzing

5 – Evaluating

6 – Creating

Bài viết được tổng hợp bởi Tan Nguyen Van & Nhu Anh, YET comminity. Hiệu chỉnh phần nhỏ bởi Hau Dang.

Chân thành cảm ơn 2 bạn đã có đóng góp một bài viết hay cho cộng đồng!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *